Viêm đại tràng co thắt khi mang thai không chỉ gây mệt mỏi mà còn khiến các mẹ bầu cảm thấy lo lắng, sợ ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Vậy nhưng, tin vui là mẹ bầu hoàn toàn có thể trải qua một thai kỳ khỏe mạnh nếu phát hiện bệnh sớm và có biện pháp xử trí phù hợp. Bài viết hôm nay sẽ giúp bà bầu bị viêm đại tràng có cái nhìn rõ ràng hơn về bệnh lý này.
Mục lục
Mối liên hệ giữa viêm đại tràng co thắt và thai kỳ
Theo các chuyên gia, viêm đại tràng co thắt trong thai kỳ có mối quan hệ tuần hoàn, ảnh hưởng qua lại. Cụ thể, sự thay đổi hormone là nguyên nhân hàng đầu khiến các bà bầu bị ảnh hưởng bởi viêm đại tràng co thắt. Khi mang thai, nồng độ Progesterone tăng cao gây giãn cơ trơn khiến nhu động đường tiêu hóa giảm, dẫn đến tình trạng táo bón.

Bên cạnh đó, sự gia tăng Progesterone và HCG khiến nhiều mẹ bầu bị ốm nghén, thay đổi đổi khẩu vị và ăn uống thất thường (thèm chua, cay, mặn, ngọt). Đây là lý do khiến chức năng đại tràng bị rối loạn, thai phụ có thể bị tiêu chảy, đi ngoài phân nhầy, không thành khuôn,…
Mặt khác, hormone biến đổi cũng khiến mẹ bầu trở nên nhạy cảm, dễ bị stress. Những cảm xúc tiêu cực này làm rối loạn chức năng hệ thần kinh thực vật điều khiển nhu động đại tràng, gây ra các triệu chứng tăng – giảm số lần đi ngoài, phân bất thường.
Nếu như sự thay đổi của cơ thể trong thai kỳ khiến mẹ bầu dễ bị viêm đại tràng co thắt thì ngược lại, bệnh lý này cũng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi.
Một số nghiên cứu cho thấy mẹ bầu có nguy cơ sẩy thai hoặc chửa ngoài tử cung cao hơn khi bị viêm đại tràng co thắt. Điều này có thể do đại tràng co bóp mạnh mẽ, hay lực rặn khi bị táo bón gây nên. Tuy nhiên, nguy cơ này không cao, mẹ bầu chỉ thực sự phải lo lắng về vấn đề này khi xuất hiện dấu hiệu của cơn gò sinh non.
Ngoài ra, đại tràng co thắt còn là nguyên nhân gây ra lo lắng, mệt mỏi cho nhiều mẹ bầu. Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến bệnh mà còn gây tác động tiêu cực đến cảm xúc của thai nhi, khiến bé dễ cảm thấy bất an, quấy khóc, khó chịu khi chào đời.
Triệu chứng viêm đại tràng co thắt khi mang thai
Tùy thuộc vào mức độ bệnh, chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt mà triệu chứng viêm đại tràng co thắt ở mỗi mẹ bầu là khác nhau. Dưới đây là một số triệu chứng phổ biến nhất:
Đau bụng
Thai phụ có thể xuất hiện những cơn đau âm ỉ hoặc đau quặn từng cơn kéo dọc theo khung đại tràng. Tình trạng này xảy ra khi đại tràng bị kích thích dẫn đến tăng nhu động co bóp quá mức.

Do khung đại tràng gần với tử cung nên triệu chứng này dễ gây nhầm lẫn với cơn đau do tử cung co bóp (động thai, sinh non). Vậy nên, khi gặp phải triệu chứng này, mẹ bầu nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn xử lý kịp thời.
☛ Tham khảo thêm tại: Đau quặn bụng từng cơn kèm tiêu chảy chớ coi thường
Rối loạn số lần đi ngoài và tính chất phân
Viêm đại tràng co thắt có thể gây tăng hoặc giảm nhu động đại tràng. Do đó, tùy từng trường hợp mà thai phụ có thể bị tiêu chảy hoặc táo bón. Trong đó:
- Tiêu chảy: Thường xảy ra trong 3 tháng đầu mang thai. Mẹ bầu có thể đi ngoài trên 3 lần/ ngày, phân lỏng, nát, còn lẫn cặn thức ăn chưa tiêu hóa hết,..
- Táo bón: Chủ yếu gặp ở 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ. Mẹ bầu đi ngoài dưới 3 lần/ tuần, phân cứng có thể kèm nhầy hoặc máu.

Trong một số trường hợp, mẹ bầu có thể gặp tình trạng buồn đi ngoài nhưng không đi được hay đi ngoài 1 lần/ ngày nhưng phân bất thường như: lỏng, nát, đầu rắn đuôi nát, phân dê,… thì cũng là dấu hiệu của viêm đại tràng co thắt.
Đầy bụng, khó tiêu
Do phân tạo ra tại đại tràng không được đào thải ra ngoài (táo bón) hoặc đào thải quá mức (tiêu chảy) dẫn đến mất nước gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Hệ quả là mẹ bầu bị chán ăn, ăn không ngon, ăn không tiêu. Bên cạnh đó, nhu động đường ruột giảm khiến thức ăn ứ đọng trong hệ tiêu hóa, bị vi khuẩn lên men và sinh khí gây ra triệu chứng đầy hơi, chướng bụng.
Bà bầu bị viêm đại tràng co thắt cần làm gì?
Việc quan trọng nhất khi bà bầu bị viêm đại tràng co thắt là cần đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của em bé. Dưới đây là những điều mẹ bầu cần thực hiện khi gặp phải bệnh lý này.
Điều trị theo chỉ định
Điều trị viêm đại tràng co thắt ở bà bầu gặp nhiều khó khăn hơn do nhiều phương pháp có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu bệnh, mẹ bầu nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và hướng dẫn điều trị an toàn.

Việc sử dụng thuốc không được khuyến khích và chỉ được áp dụng khi các biện pháp khác không có tác dụng hoặc triệu chứng co thắt quá nặng, đe dọa đến thai kỳ. Các bác sĩ cũng cần cân nhắc kỹ giữa lợi ích – tác hại của việc sử dụng thuốc và đưa ra chỉ định cụ thể về liều lượng cũng như cách sử dụng.
Một số thuốc có thể sử dụng cho mẹ bầu bị viêm đại tràng co thắt gồm:
- Aminosalicylate (hợp chất 5 – ASA): Phổ biến như: Sulphasalazine, Mesalazine, Olsalazine,… được bào chế dưới dạng viên đạn đặt hậu môn và viên nén. Thuốc có tác dụng kiểm soát viêm trên niêm mạc đại tràng và đã được chứng minh là không gây biến chứng thai kỳ hay dị tật bẩm sinh. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây ức chế hấp hấp thu Acid folic nên mẹ bầu cần bổ sung thêm dưỡng chất này theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Smecta: Có thành phần là Diosmectite có nguồn gốc từ đất sét, an toàn với mẹ bầu và thai nhi. Thuốc được sử dụng trong trường hợp mẹ bầu bị đi ngoài phân lỏng, nát, lẫn cặn thức ăn trong nhiều ngày. Bên cạnh đó, thuốc cũng tạo ra lớp bám dính giúp bảo vệ đường tiêu hóa. Hiện chưa có nghiên cứu nào về tác dụng phụ của smecta gây ra cho thai phụ, tuy nhiên, mẹ bầu vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Duphalac: Được bào chế từ Lactose – Đây là thành phần an toàn, có thể sử dụng cho mẹ bầu. Thuốc điều trị táo bón dựa trên cơ chế: điều hòa nhu động đại tràng, tăng giữ nước trong phân, giúp phân mềm, dễ đẩy ra ngoài. Mẹ bầu có thể bắt đầu với liều 15ml (tương đương với 1 gói)/ ngày vào mỗi buổi sáng, trước khi ăn hoặc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Mẹo chữa viêm đại tràng co thắt tại nhà
Sử dụng bài thuốc từ thảo dược là phương pháp chữa viêm đại tràng co thắt an toàn và hiệu quả. Mẹ bầu có thể lựa chọn một số bài thuốc đơn giản dưới đây:
- Bài thuốc lá mơ: Đây là bài thuốc chữa tiêu chảy, đầy bụng khó tiêu rất hiệu quả. Mẹ bầu chỉ cần dùng khoảng 100g lá mơ, rửa sạch, thái nhỏ trộn cùng với một chút gừng tươi băm nhỏ và 2 quả trứng gà. Sau đó, đặt chảo lên bếp, lót một lá chuối tươi sạch lên mặt chảo rồi đổ hỗn hợp trứng gà – lá mơ vào. Đun nhỏ lửa đến khi chín thì lấy ra, ăn khi còn nóng.
- Bài thuốc nghệ – mật ong: Có tác dụng kháng khuẩn, kích thích tiêu hóa và tăng khả năng làm lành tổn thương. Cách thực hiện rất đơn giản, mẹ bầu chỉ cần trộn bột nghệ và mật ong rồi viên thành những viên nhỏ bằng đầu ngón tay út. Sau đó, cho thuốc viên vào hũ thủy tinh và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Mỗi ngày ăn từ 3 – 5 viên để có kết quả tốt nhất.
- Bài thuốc mè đen – mật ong: Được dùng trong trường hợp mẹ bầu tiêu hóa kém, khó tiêu, táo bón. Mẹ bầu cần rang chín mè đen rồi giã nát, bảo quản trong lọ thủy tinh. Mỗi lần dùng, mẹ bầu trộn nửa thìa mật ong với 1 thìa mè, ăn trước bữa cơm. Áp dụng 2 lần/ ngày để có kết quả tốt nhất.

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng có thể ngay lập tức gây ra ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa của các mẹ bầu bị viêm đại tràng co thắt. Một số lời khuyên giúp thai phụ kiểm soát bệnh lý này tốt hơn như:
- Uống nhiều nước: Cung cấp đủ nước cho cơ thể giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng táo bón và giảm thiểu mệt mỏi do mất nước, điện giải khi bị tiêu chảy. Ngoài ra, bổ sung nước cũng giúp các hoạt động tiêu hóa, chuyển hóa dinh dưỡng diễn ra thuận lợi hơn. Mẹ bầu nên uống ít nhất 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày và hãy nhớ uống một cốc nước ấm vào mỗi buổi sáng sau khi thức dậy.
- Nếu mẹ bầu táo bón: Hãy tăng cường chất xơ không hòa tan. Nhóm chất này làm tăng giữ nước trong phân, tăng khối lượng phân, khiến phân mềm và dễ đi ra ngoài hơn. Nhờ đó, mẹ bầu sẽ tránh được tình trạng táo bón. Những thực phẩm giàu chất xơ, tốt cho mẹ bầu được gợi ý như: ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt (trừ hạt lanh vàng).
- Nếu mẹ bầu tiêu chảy: Hãy cân nhắc tăng nhóm chất xơ hòa tan trong chế độ ăn. Điều này giúp phân tạo khuôn tốt hơn, di chuyển chậm và giảm kích thích lên niêm mạc đại tràng. Chất xơ hòa tan được tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm như: yến mạch, lúa mạch, chuối, kiwi, mâm xôi, cà rốt, đậu xanh, khoai tây và hạt lanh vàng.
- Tránh thực phẩm gây đầy bụng: Nguyên nhân là do những thực phẩm khó tiêu, tồn tại lâu trong đường tiêu hóa hoặc dễ sinh khí trong quá trình tiêu hóa sẽ dễ khiến mẹ bầu gặp tình trạng đầy bụng, chướng hơi. Thường gặp như: các loại đậu, bông cải xanh, súp lơ trắng, hành, tỏi, trái cây ngọt, bánh, kẹo,…
- Tránh thực phẩm kích thích: Bao gồm: các loại nước uống chứa cồn, cafein, đồ chiên, sữa béo. Những thực phẩm này không chỉ khó tiêu, làm nặng triệu chứng viêm đại tràng co thắt mà còn ảnh hưởng không tốt đến thai kỳ.

Bên cạnh những lưu ý trong lựa chọn thực phẩm, mẹ bầu cũng cần điều chỉnh để có thói quen ăn uống khoa học. Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai nên chia nhỏ bữa ăn của mình thay vì ăn quá nhiều trong một bữa. Ngoài ra, mẹ bầu cần có một cuốn sổ tay để theo dõi các món ăn hàng ngày. Điều này giúp mẹ bầu dễ dàng quản lý dinh dưỡng và phát hiện những thực phẩm không hợp với mình.
Thay đổi lối sống
Lối sống khoa học giúp mẹ bầu nuôi dưỡng tinh thần lạc quan thoải mái và kiểm soát sức khỏe tốt hơn. Một số lưu ý dành cho mẹ bầu bị viêm đại tràng co thắt gồm:
- Tăng cường tập luyện: Tập thể dục thường xuyên hỗ trợ tiêu hóa, giúp mẹ bầu cảm thấy khỏe mạnh hơn về mặt thể chất và cảm xúc. Mẹ bầu có thể lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng như: đi bộ, thiền định, yoga, bơi lội,…
- Tránh làm việc quá sức: Điều này gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Bên cạnh đó, làm việc quá sức cũng ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc của mẹ gây kích thích thần kinh và khiến triệu chứng viêm đại tràng co thắt trở nặng.
- Ngủ đủ giấc: Giấc ngủ giúp tái tạo năng lượng và thư giãn thần kinh. Nhờ đó, hệ thần kinh thực vật điều khiển nhu động đại tràng cũng hoạt động tốt hơn. Mẹ bầu sẽ hạn chế được tình trạng rối loạn nhu động đại tràng gây tiêu chảy hoặc táo bón.
- Kiểm soát tốt tâm trạng: Yếu tố tâm lý có thể ngay lập tức khiến triệu chứng viêm đại tràng co thắt bùng phát, thường gặp nhất là tình trạng buồn đi ngoài khi căng thẳng. Do đó, ngay khi cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng, mẹ bầu nên: trò chuyện với bạn bè, nghe nhạc, đọc sách, đi dạo,… để giải tỏa cảm xúc của mình.

Bà bầu bị viêm đại tràng co thắt sẽ gặp nhiều bất tiện, lo lắng và mệt mỏi. Tuy nhiên, thay vì khiến mình căng thẳng, mẹ bầu hãy tìm kiếm sự hỗ trợ của bạn bè và người thân khi cần thiết. Điều này sẽ giúp mẹ có một thai kỳ trọn vẹn, khỏe mạnh và bình an!
Tài liệu tham khảo:
- https://www.webmd.com/ibs/features/what-to-expect-pregnant-have-ibs
- https://www.whattoexpect.com/pregnancy/pregnancy-health/ibs-during-pregnancy/
- https://www.healthline.com/health/irritable-bowel-syndrome/pregnancy-3#Preventing-IBS-Symptoms
Tác dụng có thể khác nhau tuỳ cơ địa của người dùng