Trẻ đi cầu nhiều lần trong ngày khiến bạn lo lắng, không biết như vậy có nguy hiểm không? Phải làm cách nào để bé thấy dễ chịu? Khi nào thì cần đi bác sĩ? Chúng tôi hiểu những băn khoăn này và sẽ giải đáp đầy đủ thông tin cho bạn trong bài viết sau.
Mục lục
Khi nhu động ruột của con bạn đột ngột thay đổi, trẻ đi cầu nhiều hơn bình thường, phân lỏng thì có thể bé đã bị tiêu chảy. Tuy nhiên, phân thi thoảng nhiều nước hơn đối với em bé, nhìn chung không có gì đáng lo ngại.
Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có thể đi ngoài phân mềm, lỏng có màu vàng sẫm, nhưng đây không phải là tiêu chảy.
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy là tương đối nhẹ và không đe dọa nhiều đến sức khỏe, chỉ cần bạn giữ cho bé không bị mất nước.
Tình trạng mất nước có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong, đặc biệt đối với trẻ sơ sinh. Cách điều trị tiêu chảy hiệu quả nhất phụ thuộc vào nguyên nhân.
Nguyên nhân gây tiêu chảy ở bé sơ sinh và trẻ nhỏ
Đây không phải là bệnh mà chỉ là triệu chứng. Các lí do có thể gây tiêu chảy ở trẻ em bao gồm:
Viêm dạ dày ruột do virus
Rotavirus, Norovirus, Adenovirus và Astrovirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm dạ dày ruột ở trẻ em. Chúng rất dễ lây lan truyền từ người này sang người khác, xảy ra nhiều hơn vào mùa thu, đông.
Bệnh thường khởi phát bằng dấu hiệu nôn mửa từ 1 hoặc 2 ngày, sốt nhẹ, đau bụng, ớn lạnh, đau nhức. Tiêu chảy có thể kéo dài từ một tuần đến 10 ngày. Hầu hết trẻ em bị viêm dạ dày ruột do virus sẽ thuyên giảm trong vài ngày mà không cần điều trị.
☛ Tham khảo thêm: Những điều cần lưu ý khi trẻ bị tiêu chảy do rotavirus
Viêm dạ dày ruột do vi khuẩn
Viêm dạ dày ruột cũng có thể do vi khuẩn: Salmonella, E. coli, Shigella, Campylobacter, nguồn lây có khả năng từ thực phẩm. Một số trường hợp tự khỏi. Tuy nhiên, nếu nhiễm E. coli trong thức ăn như thịt chưa chín có thể rất nghiêm trọng.
Bệnh đến đột ngột. Trẻ bị tiêu chảy nặng kèm theo co thắt dạ dày, có máu và chất nhầy trong phân, sốt. Bé có thể bị nôn hoặc không. Nếu con có những triệu chứng này, bạn hãy đưa trẻ đi khám. Bác sĩ có thể chỉ định cấy phân để xác định xem bé có bị nhiễm khuẩn hay không.
Ký sinh trùng
Ký sinh trùng cũng có thể làm viêm dạ dày ruột như Giardia, Cryptosporidiosis trong sông suối, bể bơi, công viên nước…
Bệnh có thể gây tiêu chảy liên tục, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, co thắt dạ dày, mệt mỏi, chán ăn. Chúng sẽ dễ dàng lây lan ở các nhóm trẻ em như trường mầm non. Việc điều trị cần dùng thuốc đặc hiệu. Vì vậy, bạn cần đưa bé đến bác sĩ.
Thuốc kháng sinh
Một đợt kháng sinh có thể quét sạch cả vi khuẩn “xấu” và “tốt”. Điều này làm mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột dẫn tới gây tiêu chảy. Bạn cũng nên đưa bé đến bác sĩ nếu nghi ngờ nguyên nhân này.
Nhiễm trùng tai
Tiêu chảy liên tục là cũng là một trong những triệu chứng của bệnh viêm tai do virus hoặc vi khuẩn. Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em từ 3 tháng đến 3 tuổi và phổ biến cho đến khi lên 8. Khoảng 25% trẻ sẽ bị nhiễm trùng tai tái đi tái lại. Bé có thể kéo tai hoặc kêu đau tai nếu trẻ đủ lớn để nói chuyện. Các triệu chứng nhiễm trùng tai khác là quấy khóc, chảy dịch, nôn mửa, sốt, nghe kém và chán ăn.
Một số trường hợp bị viêm tai giữa thể ẩn sẽ khó phát hiện hơn. Trẻ bị rối loạn tiêu hóa kéo dài, tiêu chảy theo từng đợt, thi thoảng sốt vài ngày sau đó hạ, rồi lại sốt, hay sờ lên tai, có khả năng dẫn tới suy dinh dưỡng.
Bệnh ít khi có biến chứng nghiêm trọng, hầu hết là tự khỏi. Tuy nhiên bắt buộc phải thăm khám để theo dõi. Việc điều trị chủ yếu là dùng thuốc giảm đau và đôi khi thêm kháng sinh nếu cần thiết. Khi viêm tai hết thì tiêu chảy cũng sẽ chấm dứt.
Uống quá nhiều nước trái cây
Nhiều loại nước trái cây có chứa sorbitol, một dạng đường không tiêu hóa được. Mức sorbitol dư thừa sẽ khiến cơ thể cố gắng pha loãng đường bằng cách kéo nước từ máu vào ruột, làm lỏng phân. Để giải quyết vấn đề bạn cần loại bỏ hoặc cắt giảm thức uống này.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đưa ra khuyến nghị về lượng nước trái cây mỗi ngày như sau:
- Trẻ dưới 1 tuổi không uống.
- Trẻ từ 1 – 3 tuổi: dưới 1/2 cup (118ml)
- Trẻ từ 4 – 6 tuổi: dưới 3/4 cup (177ml)
- Trẻ 7 tuổi trở lên: dưới 1 cup (237ml)
Pha sữa không đúng cách
Luôn kiểm tra kỹ xem bạn đã thêm đúng lượng nước khi pha sữa công thức cho bé chưa? Dùng sai tỷ lệ sữa bột với nước có thể gây tiêu chảy.
Dị ứng thực phẩm
Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với một số loại protein thực phẩm có thể gây ra các phản ứng nhẹ hoặc nghiêm trọng – bao gồm tiêu chảy. Các triệu chứng khác của dị ứng thực phẩm: đầy hơi, đau bụng, có máu trong phân.
Trong những trường hợp nặng, dị ứng cũng có thể gây ra nôn mửa, nổi mề đay hoặc phát ban.
Các thực phẩm gây dị ứng phổ biến như: sữa bò, trứng, đậu phộng, đậu nành, lúa mì, các loại hạt, cá và hải sản có vỏ. Nếu nghi ngờ bé bị dị ứng bạn hãy nói chuyện với bác sĩ.
Khi trẻ bị khó thở hoặc mặt hay môi sưng lên, đây là một tình huống khẩn cấp! Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.
Không dung nạp thực phẩm
Không giống như dị ứng, không dung nạp thực phẩm (còn gọi là nhạy cảm với thực phẩm) là một phản ứng bất thường không liên quan đến hệ thống miễn dịch.
Ví dụ, không dung nạp lactose (đường sữa) xảy ra khi một người không sản xuất đủ lactase (enzyme tiêu hóa lactose). Lượng đường không được tiêu hóa sẽ lưu lại trong ruột, gây ra các triệu chứng như tiêu chảy, đau quặn bụng, đầy hơi.
Không dung nạp lactose có dạng nguyên phát (bé sẽ có chế độ ăn đặc biệt ngay sau khi sinh) và thứ phát (chỉ là nhất thời) do tổn thương đường ruột như viêm dạ dày.
Nếu con bạn bị tiêu chảy nghiêm trọng, việc sản xuất men lactase có thể tạm thời bị ảnh hưởng. Trẻ có thể có các dấu hiệu không dung nạp lactose trong một hoặc hai tuần.
Bạn nên hỏi ý kiến chuyên gia để có chế độ ăn phù hợp cho bé.
Ngộ độc
Nếu bé bị tiêu chảy và nôn mửa, đồng thời bạn nghi ngờ con có thể đã nuốt phải thứ gì đó nguy hiểm như thuốc, hãy gọi ngay cho cấp cứu.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy
Bù nước cho bé
Nếu trẻ nhũ nhi không bị nôn, hãy tiếp tục cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức (bé dưới 6 tháng không uống nước).
Với trẻ bú sữa công thức, cần đảm bảo bình sữa được tiệt trùng cẩn thận.
Trường hợp bé mới biết đi hoặc trẻ tuổi mẫu giáo không bị nôn, hãy cho trẻ uống thêm nước.
Nếu bé nôn, hãy liên hệ với bác sĩ. Bạn có thể được hướng dẫn cách pha nước điện giải cho trẻ em. Dung dịch này được pha chế để cung cấp cho trẻ lượng đường và muối phù hợp, nhằm bù nước.
Lưu ý: các loại đồ uống thể thao cho người lớn như Revive không phù hợp để dùng cho bé bị tiêu chảy vì đường của chúng có thể khiến bé tiêu chảy nặng hơn.
Chế độ dinh dưỡng
Cho trẻ ăn theo chế độ bình thường. Thực phẩm lành mạnh có thể giúp rút ngắn cơn tiêu chảy bằng cách cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết để chống lại nhiễm trùng.
Bạn cho bé ăn thực đơn đủ chất gồm: tinh bột (cháo, cơm, bánh mì, ngũ cốc…), thịt nạc, trái cây và rau. Nước dùng hoặc súp cũng giúp bù thêm nước. Nếu con không chịu ăn, bạn đừng quá lo lắng. Miễn là không bị mất nước, trẻ sẽ ăn lại sau 1-2 ngày.
Cho bé ăn sữa chua. Lợi khuẩn trong sữa chua sẽ hỗ trợ giúp thuyên giảm tình trạng tiêu chảy. Bạn nên cho bé ăn sữa chua nguyên kem, không đường, chứa các vi khuẩn sống như lactobacillus.
Hạn chế đường. Tránh thức ăn và đồ uống có đường bao gồm cả nước hoa quả chưa pha loãng. Vì đường hút nước vào ruột, làm tiêu chảy nặng hơn.
Khi nào nên gặp bác sĩ?
Bé nhỏ hơn 3 tháng tuổi: liên hệ với bác sĩ nếu bé bị tiêu chảy.
Trên 3 tháng tuổi: cho bé đi khám nếu tình trạng tiêu chảy không cải thiện sau 24 giờ.
Với mọi lứa tuổi: hãy đến cơ sở y tế nếu bé không thể giữ được chất lỏng hoặc tiêu chảy nghiêm trọng (đi tiêu ra nước cứ hai giờ một lần hoặc thường xuyên hơn).
Nhiều triệu chứng xấu: đưa bé đến bệnh viện ngay lập tức nếu con bị tiêu chảy kèm theo một trong các dấu hiện sau:
- Nôn nhiều lần hoặc có máu trong dịch nôn.
- Các biểu hiện mất nước như khô miệng, khóc không ra nước mắt, thóp trũng (chỗ mềm trên đầu của em bé), đi tiểu không thường xuyên (không thấy tã ướt hoặc chưa đi tiểu từ sáu giờ trở lên).
- Có máu trong phân hoặc phân đen.
- Sốt cao: 38oC trở lên với trẻ dưới 6 tháng tuổi, từ 39oC đổ lên nếu trẻ hơn 6 tháng.
Cách phòng ngừa tiêu chảy cho bé
Tất cả các thành viên trong gia đình cần thường xuyên rửa tay. Đây là cách bảo vệ tốt nhất ngăn ngừa tiêu chảy do nhiễm trùng. Vì chúng rất dễ lây truyền từ tay sang miệng.
Rửa kỹ tay con và tay bạn ít nhất 15 giây bằng xà phòng và nước ấm trước khi ăn, chế biến thức ăn, sau khi xử lý tã bẩn hoặc đi vệ sinh.
Khi bé lớn hơn, hãy khuyên con hạn chế để tay lên mặt, như hắt hơi vào khuỷu tay thay vì dùng tay.
Trẻ cũng có thể bị nhiễm trùng khi cho ngón tay vào miệng sau khi chạm vào đồ chơi hoặc các vật dụng khác dính phân của bé nhiễm bệnh. Nếu bé bị tiêu chảy hay để con ở nhà. Thường xuyên vệ sinh đồ chơi của trẻ, đặc biệt khi bé hay có bạn qua chơi chung tại nhà.
Không nên đưa bé đi bể bơi trong vòng hai tuần sau đợt tiêu chảy cuối cùng.
Nuôi nấng con trẻ là một hành trình không dễ dàng, cần học hỏi nhiều điều. Trẻ nhỏ dễ bệnh vặt và tiêu chảy không phải hiện tượng hiếm gặp. Hi vọng bài viết trên đã cung cấp thông tin hữu ích cho ba mẹ. Chúc bé của bạn luôn khỏe mạnh, vui tươi.
Tài liệu tham khảo
- https://www.babycenter.com/health/conditions/diarrhea-in-babies-and-children_82
- https://www.healthdirect.gov.au/diarrhoea-in-children
Tắt
Kết nối qua Zalo: +84934 469869 để được tư vấn