Chào bác sĩ!
Khoảng 6 tháng gần đây, mỗi khi ăn sáng xong tôi thường bị tiêu chảy. Kèm theo đó là cảm giác chướng bụng, đầy hơi rất khó chịu. Mỗi lần đi ngoài phân có nhiều chất nhầy. Có lúc tôi sờ thấy những cục cứng nổi lên trên bụng. Hiện tượng này kéo dài khiến tôi vô cùng lo lắng, không biết bản thân đã mắc bệnh gì, có nguy hiểm hay không? Mong các bác sĩ giải đáp.
(Nguyễn Hồng Vân – 48 tuổi).
Trả lời
Trả lời:
Chào chị Vân!
Hiện tượng ăn sáng xong là bị tiêu chảy không phải là hiện tượng hiếm gặp và gây ra rất nhiều bất tiện cho người bệnh. Thực tế, nhiều người chủ quan không tìm hiểu thực sự nguyên nhân nên thường có những cách xử lý không phù hợp khiến bệnh càng nặng hơn.
Hiện tượng ăn sáng xong bị tiêu chảy có thể do những nguyên nhân không phải bệnh lý như sử dụng rượu bia, chất kích thích, stress, mang thai, mất cân bằng điện giải, dinh dưỡng không hợp lý, rối loạn tiêu hóa khi sử dụng thuốc...Tuy nhiên, dấu hiệu trên kéo dài cảnh báo nguy cơ bệnh lý nguy hiểm gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Tiêu chảy sau ăn sáng cảnh báo một số bệnh lý sau đây:
Ăn sáng xong bị tiêu chảy là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Hội chứng ruột kích thích
Ăn sáng xong bị tiêu chảy là một trong những dấu hiệu điển hình của hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt). Sở dĩ người hội chứng ruột kích thích bị như vậy là do sự co thắt trong ruột diễn ra nhanh và mạnh hơn bình thường khiến thức ăn chưa được tiêu hóa xong đã bị đẩy ra ngoài. Hoạt động này xảy ra nhanh quá mức khiến người bệnh bị đau bụng và đi ngoài sau khi ăn từ 2 - 3 tiếng.
Phân chưa được hấp thu hết nước và chất dinh dưỡng đã bị co bóp tống ra ngoài nên phân thường ở dạng lỏng, khó thành khuôn. Tuy nhiên, nếu hoạt động co bóp diễn ra chậm khiến thức ăn ứ đọng lâu hơn gây ra táo bón.
Bên cạnh triệu chứng tiêu chảy sau ăn sáng, người hội chứng ruột kích thích còn có các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau hoặc đau quặn bụng, nổi cục cứng ở bụng dưới, nhất là khi ăn phải thức ăn lạ.
- Táo bón và tiêu chảy, đôi khi có đợt tiêu chảy và táo bón xen kẽ.
- Có chất nhầy trong phân.
- Bụng đầy hơi, có cảm giác nặng bụng khó chịu.
- Trung tiện nhiều, có cảm giác đi chưa hết phân.
Một số thực phẩm trong bữa sáng có thể làm triệu chứng của bệnh trở nên tồi tệ hơn như thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, sữa...Nếu tiêu thụ các thực phẩm này mà bị đau bụng đi ngoài sau ăn sáng rất có thể bạn bị ruột kích thích.
Các triệu chứng của bệnh không đặc hiệu, thay đổi theo thời gian, phụ thuộc vào chế độ ăn uống hàng ngày của người bệnh. Chẳng hạn khi ăn thức ăn không phù hợp sẽ làm xuất hiện ngay các triệu chứng. Nhưng nếu kiêng khem các triệu chứng sẽ biến mất.
☛ Thông tin hữu ích: Bệnh đại tràng co thắt là gì
Do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa
Nhiều người bị tiêu chảy sau ăn sáng do bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Sự xâm nhập của virus, vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc tác dụng phụ của thuốc gây tổn thương lớp niêm mạc ruột khiến cho quá trình vận chuyển thức ăn khó khăn hơn, gây đau bụng và dễ bị đi ngoài sau khi ăn.
Nhiều trường hợp bệnh tự khỏi mà không gây nguy hiểm gì cho người bệnh. Tuy nhiên, nếu để tình trạng kéo dài mà không được điều trị bệnh có thể gây ra các biến chứng như hội chứng ruột kích thích (do kí sinh trùng cư trú ở ruột), viêm loét đại trực tràng, chảy máu đường ruột gây nhiễm trùng nặng, tiêu chảy dẫn tới mất nước trầm trọng...
Bệnh viêm ruột
Ăn sáng xong bị tiêu chảy là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm ruột. Các dấu hiệu của bệnh rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh đường ruột khác. Viêm ruột có thể làm tăng nhu động ruột và gây tiêu chảy sau khi ă sáng. Stress, sử dụng một số thực phẩm, đồ uống có thể khiến các triệu chứng của bệnh trở nên trầm trọng hơn. Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm:
- Tiêu chảy ra máu.
- Tăng nhu động ruột.
- Cơ thể suy nhược.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
Đường ruột bị viêm tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công, người bệnh có nguy cơ cao bị viêm loét đường tiêu hóa. Nếu không điều trị đúng cách bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm khác như tắc nghẽn đường ruột, suy dinh dưỡng, ung thư...
☛ Thông tin xem thêm: Tiêu chảy có máu: Nhận diện dấu hiệu nguy hiểm!
Ngộ độc hoặc dị ứng thực phẩm
Khi ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc, ôi thiu hay chứa nhiều chất phụ gia có thể bị tiêu chảy sau ăn sáng. Bị ngộ độc thực phẩm, ngoài việc bị tiêu chảy người bệnh còn có một số dấu hiệu khác như:
- Đau bụng.
- Nôn mửa.
- Tiêu chảy.
- Sốt cao.
- Chóng mặt...
Đối với người bệnh bị dị ứng thực phẩm, ngay sau khi ăn người bệnh có dấu hiệu đau bụng đi ngoài kèm theo các triệu chứng khác như mẩn đỏ, ngứa khắp người, người sưng tấy thậm chí khó thở. Một số thực phẩm dễ gây dị ứng như:
- Sữa.
- Lúa mì.
- Động vật có vỏ.
- Quả hạch...
Những dấu hiệu của dị ứng thức ăn cấp tính có thể dẫn tới hậu quả sốc phản vệ gây nguy hiểm cho tính mạng của người bệnh. Bệnh khá phổ biến ở trẻ em, nhưng cũng thường gặp ở trẻ lớn hơn và người lớn.
Không dung nạp được đường lactose
Cơ thể không dụng nạp được thực phẩm có chứa đường lactose cũng sinh ra hiện tượng tiêu chảy sau khi ăn xong. Loại đường này có nhiều trong các thực phẩm như mật ong, sữa, chế phẩm từ sữa...Đối với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm, sử dụng những thực phẩm này khiến cơ thể bị phản ứng, gây ra đau bụng đi ngoài.
Không dung nap lactose không gây nguy hiểm nhưng các triệu chứng của bệnh gây ra nhiều phiền toái khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu. Do đó, khi xuất hiện tình trạng đau bụng tiêu chảy sau khi ăn sáng xong kèm những triệu chứng bất thường hãy tới gặp bác sĩ để được chẩn đoán cụ thể và có phương pháp điều trị phù hợp.
Viêm tụy
Viêm tụy có thể khiến người bệnh bị đau bụng trên, đôi khi cơn đau có thể lan ra lưng. Các cơn đau này thường có xu hướng trầm trọng hơn sau khi ăn, đặc biệt là sau ăn sáng. Các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn hoặc sốt.
Đối với các trường hợp nhẹ có thể sử dụng thuốc giảm đau nhằm cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên, nếu ăn sáng xong bị tiêu chảy kéo dài hãy gặp bác sĩ. Đồng thời người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống, ăn ít chất béo, bổ sung các vitamin có lợi cho cơ thể.
Bệnh Celiac
Đây là một rối loạn tự miễn dịch mãn tính ở ruột non, người bệnh có thể bị đau bụng tiêu chảy sau khi ăn sáng cùng với một số dấu hiệu khác như:
- Bụng đầy hơi.
- Thiếu máu.
- Chán ăn.
- Hấp thu thức ăn kém.
Bệnh thường phổ biến ở đối tượng trẻ em, nhưng cũng có thể phát triển ở mọi lứa tuổi. Đối với người trưởng thành, bệnh có thể liên quan tới một số bệnh lý khác như đái tháo đường, viêm tuyến giáp. Bệnh Celiac thường phản ứng với gluten và các protein được tìm thấy trong lúa mì, một số loại ngũ cốc. Nếu tiêu thụ các loại thức ăn này vào buổi sáng, người bệnh rất dễ bị tiêu chảy.
Bệnh Celiac có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị như ung thư (ung thư tiểu tràng, u lympho ruột), vô sinh, sảy thai, suy dinh dưỡng, bệnh lý về tụy, loãng xương, vấn đề về tổn thương thần kinh (đau, co giật, mất cảm giác ở các chi).
☛ Tìm hiểu thêm: Bị tiêu chảy kéo dài: Tuyệt đối đừng "tặc lưỡi" cho qua!
Cách khắc phục đau bụng đi ngoài sau ăn sáng
Để giảm triệu chứng tiêu chảy sau ăn sáng và phòng ngừa hiệu quả chị có thể áp dụng biện pháp sau đây:
- Không sử dụng các thực phẩm có tính kích thích đường ruột như rượu bia, cà phê, thuốc lá, thực phẩm chua cay, nóng, các thực phẩm nhiều dầu mỡ khó tiêu...
- Bổ sung đủ nước cho cơ thể 2 lít nước mỗi ngày, đồng thời giúp ngăn ngừa nguy cơ bị mất nước dẫn đến rối loạn nước - điện giải.
- Kiểm soát lượng chất xơ cơ thể tiêu thụ bởi bổ sung quá nhiều chất xơ cũng có thể dẫn tới tiêu chảy nặng hơn.
- Một số người có hệ tiêu hóa nhạy cảm, cần chú ý loại bỏ các loại thực phẩm khó tiêu ra khỏi thực đơn hàng ngày.
- Ưu tiên các thực phẩm giúp nhuận tràng, có lợi cho hệ tiêu hóa như rau xanh, trái cây, vừng đen, khoai lang, lòng đỏ trứng, dưa chuột...
- Ăn đúng bữa, có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong ngày.
- Vận động nhẹ nhàng hoặc tập thể dục thể thao hàng ngày.
- Duy trì tâm trạng thoải mái, hạn chế lo lắng, căng thẳng quá mức có thể gây ảnh hưởng xấu tới hoạt động của hệ tiêu hóa khiến niêm mạc ruột co bóp không đều, máu huyết kém lưu thông.
- Bổ sung lợi khuẩn probiotic, đây là những vi khuẩn có lợi cho đường ruột có tác dụng bảo vệ hệ tiêu hóa, ức chế vi khuẩn có hại. Hệ tiêu hóa được tăng cường, cải thiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, chướng bụng...Bổ sung probiotic từ sữa chua hoặc các loại men vi sinh.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý là cách hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.