Nhiều người hốt hoảng khi bị tiêu chảy kèm theo máu lẫn trong phân, lấm tấm trên giấy vệ sinh hay trong bồn cầu. Thế nhưng vì tâm lý ngại thăm khám, không ít người cố gắng theo dõi và mong chờ tình trạng này sẽ tự cải thiện. Thực tế, tiêu chảy có máu là dấu hiệu của nhiều vấn đề về sức khỏe mà nếu chủ quan bỏ qua, bạn có thể gặp nguy hiểm.
Mục lục
Tiêu chảy có máu cảnh báo bệnh gì?
Tiêu chảy có máu xảy ra khi nhu động ruột co thắt mạnh mẽ kèm theo tổn thương hở tại một vị trí nào đó trên ống tiêu hóa dẫn đến xuất huyết. Máu lẫn trong thức ăn di chuyển trong đường ruột và theo phân ra ngoài. Lúc này, người bệnh có thể gặp phải tình trạng đi ngoài nhiều lần, phân lỏng nát lẫn máu.
Dưới đây là một số bệnh lý tiêu hóa thường gây ra tiêu chảy có máu.
Viêm loét đại tràng
Viêm loét đại tràng xảy ra khi niêm mạc đại tràng bị tổn thương và hình thành các ổ viêm, loét. Tình trạng này khiến niêm mạc đại tràng trở nên nhạy cảm với thức ăn, làm tăng nhu động đại tràng gây ra tình trạng tiêu chảy. Mặt khác, khi các tổn thương làm vỡ mao mạch, máu tràn vào trong lòng ruột, lẫn vào phân khiến người bệnh đi ngoài phân lẫn máu.
Bệnh viêm loét đại tràng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, thường gặp như: chế độ ăn uống – sinh hoạt thiếu khoa học, rối loạn chức năng miễn dịch, sự tấn công của vi trùng hay tác dụng phụ của các loại thuốc.
Tùy thuộc vào vị trí và mức độ viêm loét mà mỗi người bệnh sẽ gặp phải các triệu chứng khác nhau. Thường gặp như:
- Tiêu chảy, thường có máu hoặc mủ
- Đau bụng quặn hoặc âm ỉ
- Thường xuyên buồn đại tiện, nhưng nhiều lúc không đi được
- Đau bụng tiêu chảy sau khi ăn đồ lạ, nhiều dầu mỡ, đồ tanh – lạnh – sống.
- Đầy bụng, chướng hơi, ăn uống kém
- Mệt mỏi, giảm cân, xanh xao
Điều trị viêm loét đại tràng thường bao gồm điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật. Trong giai đoạn đầu, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc như: thuốc chống viêm (5-aminosalicylate, corticoid), thuốc ức chế hệ thống miễn dịch (azathioprine, cyclosporine, tofacitinib), thuốc sinh học (Infliximab, Vedolizumab, Ustekinumab), thuốc cầm tiêu chảy (loperamide), thuốc giảm đau (acetaminophen) và thuốc chống co thắt.
Ở giai đoạn sau, khi viêm loét trở nên nghiêm trọng đáp ứng với thuốc điều trị, người bệnh có thể cần phẫu thuật để loại bỏ phần đại tràng viêm loét.
☛ Tham khảo thêm: Bệnh đại tràng có nguy hiểm không? – Lời nhắn từ bác sĩ!
Bệnh Crohn
Bệnh Crohn là một bệnh viêm ruột, có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trong ống tiêu hóa, thường gặp ở ruột non và đại tràng. Các ổ viêm có thể lan sâu, vượt qua lớp niêm mạc và hình thành các vết loét, dẫn đến chảy máu. Tình trạng này khiến nhu động ruột bị kích thích, gây tiêu chảy lẫn máu.
Nguyên nhân chính xác của bệnh Crohn vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết các yếu tố rối loạn miễn dịch, nhiễm trùng tiêu hóa hoặc di truyền có thể trở thành nguyên nhân khởi phát bệnh lý này.
Bạn có thể nhận biết bệnh Crohn dựa trên một số dấu hiệu như:
- Tiêu chảy kéo dài, đôi khi lẫn máu
- Đau quặn bụng
- Rò hậu môn dẫn đến đau và chảy dịch tiết quanh hậu môn
- Lở miệng
- Sốt
- Chán ăn, giảm cân, mệt mỏi
Các triệu chứng của bệnh Crohn có thể phát triển dần dần, từ nhẹ đến nặng. Nhưng đôi khi lại xuất hiện đột ngột, không báo trước. Trong thời gian mắc bệnh, có những khoảng thời gian các triệu chứng thuyên giảm hoặc biến mất, nhưng điều này không có nghĩa là bệnh của bạn đã được cải thiện.
Việc điều trị bệnh Crohn dựa trên mục tiêu giảm viêm, cải thiện triệu chứng và ngăn biến chứng xảy ra. Bác sĩ có thể kê một số thuốc điều trị như: thuốc chống viêm (corticoid, 5-aminosalicylate), thuốc ức chế miễn dịch (azathioprine, cyclosporine, tofacitinib), thuốc sinh học (Natalizumab, Infliximab, Ustekinumab), thuốc kháng sinh (ciprofloxacin, metronidazole), thuốc cầm tiêu chảy (loperamide) và thuốc giảm đau (acetaminophen).
Nhiễm khuẩn tiêu hóa
Tiêu chảy có máu trong nhiễm khuẩn tiêu hóa thường không kéo dài quá 2 tuần và không tái phát trở lại nếu bạn không bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng tiêu hóa có thể xảy ra do: E.coli, Salmonella, hay Shigella
Nhiễm khuẩn E.coli
E. coli thường xuất hiện trong thức ăn kém vệ sinh hay nguồn nước ô nhiễm. Khi người bệnh chế biến và sử dụng đồ ăn, vi khuẩn tấn công vào đường tiêu hóa và gây bệnh. Trong đó, một số chủng vi khuẩn E. coli , được gọi là “STEC”, tạo ra một độc tố có thể gây tiêu chảy ra máu.
Trong nhiễm trùng STEC, bạn có thể gặp phải các triệu chứng sau:
- Đau bụng dữ dội
- Nôn mửa
- Sốt
Điều trị nhiễm khuẩn E. coli cần dựa trên yếu tố dịch tễ của địa phương, vị trí nhiễm trùng và kháng sinh đồ. Nhiều chủng đã kháng ampicillin và tetracycline nên cần thay thế bằng các loại thuốc khác như: ticarcillin, cephalosporin, piperacillin, aminoglycosides, trimethoprim / sulfamethoxazole (TMP / SMX), và fluoroquinolones.
Trường hợp E.coli tạo thành ổ mủ hoặc gây hoại tử các tổ chức, cơ quan, người bệnh có thể phải phẫu thuật để loại bỏ vùng tổn thương.
Nhiễm khuẩn Salmonella
Thường xảy ra khi người bệnh ăn phải những thực phẩm mất vệ sinh, dẫn đến ngộ độc làm tổn thương ruột và gây chảy máu. Ngoài triệu chứng tiêu chảy ra máu, người bệnh có thể xuất hiện các dấu hiệu khác như:
- Phân lỏng, sền sệt màu vàng nâu lẫn máu và có mùi khắm
- Đau quặn bụng, sôi bụng và căng chướng vùng bụng hố chậu phải
- Sốt cao ( 39 độ C đến trên 40 độ C)
- Co thắt dạ dày
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Đau đầu, mất ngủ, nói ngọng, mơ màng (biểu hiện nhiễm độc thần kinh)
- Phát ban ở ngực, bụng, mạn sườn
Các triệu chứng này thường bắt đầu trong vòng 12 đến 72 giờ sau khi nhiễm trùng, kéo dài từ 4 đến 7 ngày, nhưng có thể mất vài tháng để thói quen đi tiêu trở lại bình thường.
Thông thường, nhiễm trùng do Salmonella có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Người bệnh chỉ cần chủ động bổ sung nước, điện giải và ăn uống khoa học, hợp vệ sinh. Người nhiễm khuẩn có triệu chứng nghiêm trọng, cần đến bệnh viện để làm kháng sinh đồ, sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Nhiễm khuẩn Shigella
Nhiễm khuẩn Shigella thường xuất hiện sau khi người bệnh ăn thức ăn nhiễm bẩn, nguồn nước ô nhiễm hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh.
Các triệu chứng phổ biến trong nhiễm khuẩn Shigella gồm:
- Tiêu chảy phân nhầy máu, lượng phân giảm dần
- Đau quặn bụng dọc theo khung đại tràng
- Sốt ớn lạnh (39 – 40 độ C)
- Nôn, buồn nôn
- Buồn đại tiện liên tục nhưng không đi được.
- Chán ăn
Phác đồ điều trị nhiễm khuẩn Shigella thường gồm thuốc kháng axit như: thuốc kháng sinh (ciprofloxacin), thuốc hạ sốt (paracetamol) và thuốc bao niêm mạc ruột (bismuth subsalicylate). Bên cạnh đó, người bệnh cần chú ý bù nước điện giải đầy đủ cho cơ thể.
Xuất huyết dạ dày
Xuất huyết dạ dày xảy ra khi các ổ viêm loét tấn công vào sâu trong lớp niêm mạc, làm vỡ các mao mạch gây chảy máu vào lòng ruột. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Các triệu chứng điển hình khi bị xuất huyết dạ dày gồm:
- Nôn ra máu tươi hoặc máu đen
- Đi ngoài ra máu tươi, hoặc phân đen có mùi hôi tanh
- Đau thượng vị dữ dội kèm theo vã mồ hôi, bụng căng, mặt tái nhợt.
- Hoa mắt, chóng mặt
- Da xanh, niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu
Nếu xuất huyết dạ dày nhẹ, người bệnh có thể sử dụng các thuốc kiểm soát bệnh tại nhà như: thuốc bao niêm mạc, thuốc kháng acid, thuốc trung hòa acid. Tuy nhiên, trường hợp nặng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và áp dụng các thủ thuật cầm máu kịp thời.
Trĩ
Trĩ là hiện tượng các tĩnh mạch ở trực tràng hoặc hậu môn bị sưng phồng lên hình thành búi trĩ. Búi trĩ có thể phát triển bên trong trực tràng (trĩ nội) hoặc dưới da xung quanh hậu môn (trĩ ngoại). Các búi trĩ rất dễ bị tổn thương chảy máu nên người bệnh thường xuyên gặp phải tình trạng đi ngoài phân lẫn máu.
Các triệu chứng thường gặp khi bị trĩ bao gồm:
- Chảy máu tươi khi đại tiện
- Đau rát, ngứa quanh hậu môn
- Sưng hậu môn
- Tiêu chảy mãn tính
- Thường xuyên bị táo bón
Để giảm thiểu ảnh hưởng của bệnh trĩ, người bệnh được khuyên điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học, tránh bị táo bón hay tiêu chảy. Ngoài ra, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn sử dụng một số loại thuốc như: các loại kem bôi trĩ chứa hydrocortisone và lidocain giúp giảm ngứa, đau hay sưng viêm.
Trường hợp búi trĩ lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định cắt bỏ búi trĩ đó.
Angiodysplasia
Angiodysplasia là chứng loạn sản mạch, thường xảy ra khi các mạch máu trong ruột già đi hoặc suy yếu, dễ tổn thương gây chảy máu trong lòng ruột. Chứng bệnh này thường xuất hiện ở những bệnh nhân bị suy thận nặng hoặc mắc chứng rối loạn chảy máu di truyền (Von Willebrand).
Người mắc Angiodysplasia dễ gặp phải tình trạng tiêu chảy có máu sẫm máu, máu đỏ hoặc đen. Bệnh cũng gây ra một số triệu chứng khác như:
- Khó thở, tim đập nhanh
- Mệt mỏi, da nhợt nhạc
- Chóng mặt, người lâng lâng
Trong hầu hết trường hợp, chứng loạn sản mạch có thể tự biến mất. Nếu cần điều trị, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh: phẫu thuật nội soi, sử dụng liệu pháp hormone, truyền máu hoặc bổ sung sắt.
Polyp đại tràng
Polyp đại tràng xảy ra khi có một khối u nhỏ hình thành và phát triển trên niêm mạc đại tràng. Có nhiều loại polyp khác nhau, trong đó polyp tuyến là loại phổ biến nhất, chiếm 2/3 số người mắc bệnh. Mặc dù hầu hết các trường hợp ung thư đại tràng đều phát triển từ các polyp tuyến, nhưng chỉ có khoảng 5% các polyp sẽ trở thành ung thư.
Polyp đại tràng thường không gây ra nhiều triệu chứng, nhưng đôi khi người bệnh có thể gặp phải tình trạng đi ngoài ra máu đỏ sẫm hoặc phân đen. Vậy nên, nếu bạn không có triệu chứng gì khác ngoài việc thỉnh thoảng bị tiêu chảy có máu thì có thể cân nhắc đến nguyên nhân này.
Cách điều trị Polyp điển hình nhất là phẫu thuật cắt bỏ trước khi chúng trở thành ung thư. Sau phẫu thuật, bác sĩ có thể cho người bệnh sử dụng thêm các thuốc chống đông máu, thuốc giảm đau và hướng dẫn tái khám để tầm soát polyp tái phát hoặc ung thư tiến triển.
Ung thư đại tràng
Tiêu chảy có máu có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư trực tràng. Tình trạng này thường gặp ở những người trên 50 tuổi, có tiền sử bị viêm loét hoặc polyp đại tràng.
Đa số người bị ung đại tràng không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Ở giai đoạn sau, các triệu chứng biểu hiện rõ rệt hơn tùy thuộc vào vị trí và kích thước của khối u trong đại tràng. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp:
- Thường xuyên bị táo bón, tiêu chảy hoặc hỗn hợp.
- Phân lẫn máu đỏ thẫm hoặc cục máu đen.
- Đau bụng dai dẳng
- Đầy hơi, khó tiêu, ăn uống không ngon miệng.
- Luôn có cảm giác mót rặn, buồn đại tiện
- Suy nhược cơ thể, sút cân không rõ nguyên nhân.
Ở giai đoạn sớm, ung thư đại tràng có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ đại tràng kết hợp loại bỏ các hạch bạch huyết. Ở giai đoạn muộn, người bệnh cần được phẫu thuật loại bỏ khối u phối hợp với các biện pháp hóa trị, xạ trị và dùng thuốc.
☛ Tham khảo thêm: Đi ngoài ra máu là dấu hiệu bệnh gì?
Khi nào tiêu chảy ra máu cần khám gấp?
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, tiêu chảy có máu có thể gây mất máu, mất nước điện giải nghiêm trọng khiến người bệnh gặp nguy hiểm. Lúc này, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Hãy tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ ngay khi bị tiêu chảy có máu kèm theo các triệu chứng:
- Chóng mặt, choáng váng
- Đau bụng dữ dội
- Khó thở, mạch nhỏ – nhanh
- Sốt cao (trên 38 độ), ớn lạnh
- Nôn ra máu tươi hoặc cục máu đông
- Tiêu chảy có máu liên tục trên 2 ngày
- Sút cân nghiêm trọng
Làm gì khi bị tiêu chảy có máu?
Nếu không phải trường hợp khẩn cấp, bạn không nên quá hốt hoảng, lo lắng khi bị tiêu chảy có máu. Hãy bình tĩnh và cân nhắc thực hiện theo những gợi ý dưới đây.
Thăm khám sớm
Thăm khám là điều đầu tiên người bệnh cần thực hiện khi bị tiêu chảy có máu. Việc này giúp bạn xác định rõ nguyên nhân và tình trạng sức khỏe của mình, từ đó lựa chọn được cách chăm sóc phù hợp.
Quá trình thăm khám thường gồm 2 giai đoạn: khám lâm sàng và cận lâm sàng. Trong đó:
- Khám lâm sàng: Là thời gian bác sĩ khai thác triệu chứng, yếu tố khởi phát, tiền sử dùng thuốc và tiền sử mắc bệnh của người bệnh. Sau bước này, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn những xét nghiệm cần thiết.
- Khám cận lâm sàng: Bao gồm các kỹ thuật xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh. Người bệnh tiêu chảy ra máu có thể cần thực hiện: xét nghiệm máu, xét nghiệm phân, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng hay sinh thiết khối u (nếu có)
Áp dụng bài thuốc thảo dược
Những người bệnh bị tiêu chảy có máu do các bệnh mãn tính, lành tính có thể sử dụng một số bài thuốc thảo dược để kiểm soát tình trạng này. Điển hình như:
- Trà hoa dâm bụt: Dùng hoa dâm bụt phơi khô, tán bột. Sau đó, mỗi ngày lấy 12 – 16g hòa tan trong nước ấm và uống trước bữa ăn. Thực hiện 2 lần/ ngày cho đến khi triệu chứng cải thiện.
- Nước lá diếp cá: Cần chuẩn bị 100g lá diếp cá rửa sạch và ngâm trong nước muối khoảng 10 – 15 phút. Tiếp đó, xay hoặc dã nát rồi đổ thêm một cốc nước ấm vào. Dùng lọc bỏ bã, chắt lấy nước uống ngày 2 lần.
- Nước sắc rau dền: Lấy 100g rau dền, 100g sam và 20g rau đay rửa sạch rồi sắc cùng 500ml nước. Đun đến khi còn 300ml thì chắt lấy nước, chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống liên tục 5 – 7 ngày để có kết quả tốt nhất.
☛ Tham khảo thêm: Cách trị đi ngoài ra máu hiệu quả theo kinh nghiệm dân gian
Điều chỉnh chế độ ăn uống
Nhiều người bệnh tiêu chảy có suy nghĩ tránh ăn đồ ăn lỏng để hạn chế đi ngoài. Thế nhưng đây là quan điểm sai lầm. Tiêu chảy khiến người bệnh mất nước và điện giải nên những món ăn lỏng dễ tiêu, chứa đường và muối là lựa chọn phù hợp nhất trong giai đoạn này.
Ngoài ra, người bệnh nên lựa chọn một số thực phẩm sau khi bị tiêu chảy ra máu:
- Tinh bột hoặc ngũ cốc ít xơ: Giúp bạn giảm tần suất đi ngoài. Bạn có thể lựa chọn các món cháo súp được chế biến từ: gạo, lúa mì, yến mạch.
- Protein ít béo: Là thực phẩm dễ tiêu và giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ. Bạn nên chọn các nguồn protein lành tính như: thịt gà nạc, trứng,….Khi chế biến, bạn cần tránh ướp nhiều gia vị, thay vào đó, hãy sử dụng các loại rau thơm, thảo mộc để tạo hương vị cho món ăn.
- Probiotics: Chẳng hạn như sữa chua và kefir giúp bổ sung lợi khuẩn, tăng đề kháng đường ruột, từ đó cải thiện tình trạng tiêu chảy và tăng khả năng làm lành tổn thương.
- Thực phẩm giàu vitamin C: Có khả năng chống oxy hóa, chống viêm, thúc đẩy tổn thương trong ống tiêu hóa làm lành nhanh hơn. Vitamin C có nhiều trong: cam, ổi, quýt, bưởi,…
- Thực phẩm giàu Rutin: Có tác dụng chống oxy hóa, tăng cường sức bền của tĩnh mạch, từ đó làm lành các tổn thương trong đường tiêu hóa. Thực phẩm chứa rutin gồm: cam, bưởi, lúa mạch, rau má, rau diếp cá,…
- Thực phẩm giàu omega – 3: Giúp chống viêm, cải thiện tình trạng tiêu chảy có máu do viêm loét đường tiêu hóa. Thực phẩm điển hình của nhóm này gồm: cá hồi, dầu ô liu, dầu hạt lanh,…
Tràng Phục Linh PLUS – Khắc phục đi ngoài có máu do viêm đại tràng
Tràng Phục Linh PLUS là sản phẩm có tác dụng điều hòa nhu động và tăng tái tạo niêm mạc đại tràng, từ đó khắc phục hiệu quả tình trạng tiêu chảy có máu do viêm đại tràng gây ra.
Hiệu quả của viên uống Tràng Phục Linh PLUS được tạo từ thành phần quý và lành tính, gồm:
- ImmuneGama: Được chiết tách từ vách của lợi khuẩn Lactobacillus fermentum có tác dụng tái tạo tổn thương trên niêm mạc đại tràng, tăng cường miễn dịch và cải thiện hệ vi sinh. Nhờ đó, khắc phục hiệu quả tình trạng đi ngoài có máu do viêm loét đại tràng.
- 5 – HTP: Có khả năng chuyển hóa thành serotonin khi vào cơ thể. Đây là chất có tác dụng ổn định nhu động đại tràng, giảm số lần tiêu chảy.
- Bạch truật – Bạch phục linh – Bạch thược – Hoàng bá: Là những thảo dược chuyên dùng trong các bệnh tiêu hóa, có tác dụng giảm co thắt, kích thích tiêu hóa, giảm đầy bụng chướng hơi, tiêu diệt vi khuẩn có hại.
Biện pháp phòng ngừa tiêu chảy có máu
Đa số trường hợp tiêu chảy có máu đều có sự xuất hiện của yếu tố thực phẩm bẩn, nguồn nước ô nhiễm và sự tấn công của các loại vi khuẩn vào hệ tiêu hóa. Vậy nên, xây dựng một số thói quen dưới đây có thể giúp giảm tình trạng tiêu chảy ra máu:
- Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, tiếp xúc với người bệnh hoặc chạm vào các loại động vật.
- Chế biến thực phẩm chín kỹ, bảo quản sạch sẽ, tránh xa các loại thực phẩm sống
- Vệ sinh sạch sẽ khu vực chế biến thức ăn và dụng cụ chế biến đồ sống
- Tránh sử dụng các thực phẩm sống, bao gồm cả các loại sữa chưa được tiệt trùng.
- Tránh sử dụng các nguồn nước không có nguồn gốc rõ ràng, có nguy cơ nhiễm khuẩn.
Tiêu chảy có máu là vấn đề phức tạp, cần được thăm khám kỹ trước khi điều trị. Người bệnh không nên chủ quan, áp dụng các biện pháp chỉ kiểm soát triệu chứng mà bỏ qua nguyên nhân. Hy vọng bài viết hôm nay đã đem đến cho bạn nhiều kiến thức hữu ích. Nếu có thắc mắc, bạn hãy để lại lời nhắn cho chúng tôi hoặc liên hệ với bác sĩ để được giải đáp chính xác.
Tài liệu tham khảo:
- https://www.verywellhealth.com/causes-of-bloody-stool-1124078
- https://www.webmd.com/digestive-disorders/what-can-cause-bloody-diarrhea
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/321283
- https://www.mayoclinic.org/symptom-checker/blood-in-stool-in-adults-adult/related-factors/itt-20009075
Tắt
Kết nối qua Zalo: +84934 469869 để được tư vấn