Đau bụng là hiện tượng mà trẻ dễ gặp phải và thường không mấy nghiêm trọng. Tuy nhiên, với mức độ nặng nề hơn thì đau quặn bụng từng cơn có thể là dấu hiệu cánh báo bệnh lý đường tiêu hóa nào đó. Lúc này, bạn cần quan sát kỹ trạng thái và các triệu chứng đi kèm của con để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường, xử trí kịp thời và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Mục lục
10 nguyên nhân trẻ bị đau quặn bụng từng cơn và hướng xử trí
1. Lồng ruột
Nếu bé nhà bạn đang chơi đùa bình thường nhưng bỗng dưng bị đau quặn bụng từng cơn, các cơn đau ngắt quãng nhưng dữ dội khiến trẻ khóc thét lên, kèm theo đó là nôn ói nhiều lần, da tái nhợt, mệt lả người… thì bạn hãy cẩn trọng vì đây có thể là dấu hiệu của lồng ruột.
Tại Việt Nam, cứ 1000 trẻ dưới 1 tuổi thì có 3 trẻ bị lồng ruột và phổ biến nhất ở nhóm 5 – 9 tháng tuổi. Các đoạn ruột bị lồng vào nhau, cụ thể là khúc ruột phía trên di chuyển và chui lọt vào khúc ruột bên dưới và ngược lại. Các mạch máu cũng bị cuốn theo và tắc nghẽn. Nếu không được phát hiện kịp thời thì đoạn ruột này có thể bị hoại tử, nhiễm trùng máu và đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Sau các cơn đau quặn bụng đầu tiên, trẻ có thể sẽ nín khóc và ăn uống bình thường trở lại. Tuy nhiên, chúng sẽ tái phát và các triệu chứng đi kèm cũng nặng hơn: trẻ bỏ ăn, da dẻ xanh tím, môi khô mắt trũng, người lạnh, phân đi kèm máu tươi…
Lồng ruột là một trong những cấp cứu ngoại khoa có diễn biến rất nhanh và nguy hiểm. Sau 24h nếu không có bất kỳ can thiệp nào thì ruột có thể bắt đầu bị hoại tử. Do đó, ngay khi thấy trẻ bị đau quặn bụng từng cơn kèm theo nôn ói, da tái nhợt… bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. Thông thường, các bác sĩ sẽ tháo lồng bằng cách bơm hơi vào ruột già của bé với áp lực vừa phải cho đến khi khối lồng được tháo hoàn toàn.
2. Viêm ruột thừa
Viêm ruột thừa cũng có thể gây nên các cơn đau quặn bụng, co thắt từng cơn ở trẻ.
Ở trẻ em, căn bệnh này phổ biến ở các bé lớn từ 10 – 19 tuổi với biểu hiện điển hình là đau vùng hố chậu phải (phần bụng dưới bên phải) kèm theo sốt, nôn ói thường xuyên, chán ăn.
Viêm ruột thừa cũng có thể xảy ra ở các bé 2 – 5 tuổi hay nhỏ hơn. Nhưng vì trẻ chưa biết mô tả chính xác vị trí đau nên bạn hãy chú ý tới các dấu hiệu khác như: sốt, vã mồ hôi, môi khô, quấy khóc, không chịu ăn, nôn ói nhiều lần. Để phân biệt dễ hơn với các bệnh đường tiêu hóa khác, bạn hãy nói trẻ thử nhảy lên xuống, nếu cơn đau nặng hơn thì đây rất có thể là dấu hiệu của chứng đau ruột thừa.
Nếu trẻ xuất hiện các cơn đau quặn bụng và nghi ngờ viêm ruột thừa thì bạn tạm thời không cho trẻ ăn uống nhiều và hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và nhận sự tư vấn cụ thể nhất.
3. Giun chui ống mật
Giun chui ống mật là một biến chứng của tình trạng nhiễm giun đường tiêu hóa. Giun ký sinh ở ruột non nhưng di chuyển ngược lên tá tràng và lọt vào ống dẫn mật, túi mật. Tại đây, giun tiếp tục sống ký sinh và gây các biến chứng như: sỏi đường mật, nhiễm trùng đường mật, áp xe gan…
Thống kê cho thấy, giun chui ống mật thường gặp ở trẻ 3 – 7 tuổi và được ghi nhận có số ca cấp cứu đứng thứ hai sau viêm ruột thừa ở trẻ em. Trẻ có biểu hiện là các cơn đau vùng thượng vị, lệch sang phải, trẻ bị đau quặn bụng từng cơn hoặc dữ dội làm cho trẻ mặt tái xanh, quằn quại, nôn nhiều, vã mồ hôi, bụng hơi chướng lên, có thể trẻ sẽ chổng mông để bớt đau hơn.
Khi thấy trẻ đau bụng dữ dội và nghi ngờ giun chui ống mật, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ có hướng xử trí phù hợp. Không phải trường hợp nào cũng cần phẫu thuật để lấy giun. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý không nên cho trẻ uống bất kỳ một loại thuốc gì làm thuyên giảm triệu chứng khi chưa được bác sĩ thăm khám.
4. Ngộ độc thức ăn
Khi bị ngộ độc thức ăn, trẻ thường có các biểu hiện: đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và nôn, sốt, môi khô, khát nước, thở nhanh, mệt lả người, phân lẫn máu… Các triệu chứng thường xảy ra một vài giờ hay một vài ngày sau khi tiếp xúc với thực phẩm gây độc nên khá dễ phát hiện.
Khi trẻ bị ngộ độc thức ăn, cha mẹ cần:
- Loại bỏ ngay thực phẩm nghi ngờ gây nhiễm độc.
- Cho trẻ uống Oresol để bổ sung nước và điện giải theo nguyên tắc uống từ từ, từng ít một, đặc biệt sau mỗi lần bé đi ngoài.
- Không dùng thuốc cầm tiêu chảy. Bởi trong nhiều trường hợp thuốc càng khiến vi khuẩn, độc tố lưu lại trong đường tiêu hóa lâu hơn. Các triệu chứng có thể giảm bớt ngay sau khi uống nhưng sẽ tái diễn và bé lâu khỏi hơn.
- Cho trẻ ăn cháo loãng thịt nạc nấu với cà rốt hay khoai tây, bí đỏ. Các loại rau củ này sẽ giúp bé đi ngoài phân đặc hơn.
- Cho trẻ đến cơ sở y tế khi có các dấu hiệu mất nước nặng như: khô miệng, môi khô, mắt trũng, thở nhanh, mệt lả, nước tiểu ít và sẫm màu, nôn nhiều trên 5 lần/ngày, đi ngoài phân lỏng trên 5 lần/ngày.
5. Táo bón
Nếu như trẻ hay bị đau quặn bụng và số lần đi ngoài giảm, trẻ hay đầy bụng, chán ăn, mệt mỏi, khó chịu… thì bạn hãy kiểm tra xem con có đang bị táo bón hay không.
Trẻ nhỏ với đường tiêu hóa còn chưa hoàn thiện, thường ăn ít rau, uống không đủ nước… nên rất dễ bị táo. Cộng thêm tâm lý nín nhịn, sợ đi ngoài nên chứng táo bón thường kéo dài và hay tái phát.
Nếu trẻ mới táo bón dưới 2 tuần thì việc thay đổi chế độ ăn uống, như tích cực ăn rau xanh và uống đủ nước đã mang lại hiệu quả tốt. Nhưng khi trẻ đã táo bón lâu ngày, đi ngoài phân to cứng hay phân dê, đi ngoài ra máu… thì bạn cần cho bé dùng thêm các loại thuốc nhuận tràng như: macrogol 3350, lactulose… để làm mềm phân giúp bé đi ngoài dễ dàng hơn. Đồng thời kiên trì sử dụng liên tục từ 3 – 6 tháng để con quên đi được cảm giác sợ đi ngoài vô thức. Song song với đó là tập đi ngoài cho bé hàng ngày vào các khung giờ cố định.
Đọc thêm: Táo bón kéo dài là biểu hiện của bệnh gì?
6. Viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày không phải là bệnh lý tiêu hóa phổ biến ở trẻ, nhưng đang có xu hướng gia tăng vì chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học đang ngày càng phổ biến, hay việc lạm dụng thuốc (NSAIDs, corticoid…) cho trẻ.
Khi bị viêm dạ dày, trẻ có biểu hiện điển hình là các cơn đau bụng vùng thượng vị hay quanh rốn, đau sau ăn hay nửa đêm, kèm theo nôn ói. Nặng hơn, trẻ có thể gặp biến chứng xuất huyết tiêu hóa với biểu hiện đi ngoài phân đen, ói ra máu.
Bạn cần cho trẻ đến bệnh viện để làm rõ nguyên nhân và được bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp. Ngoài ra, cũng cần lưu ý hơn tới bữa ăn hàng ngày của trẻ, đảm bảo đầy đủ các nhóm chất, thức ăn dễ tiêu hóa, không nên cho trẻ ăn cơm quá sớm và hướng dẫn trẻ nhai kỹ trước khi nuốt, hạn chế cho bé ăn cơm chan lẫn canh vì các bé có thể nuốt luôn, gây hại cho dạ dày.
7. Nhiễm khuẩn đường ruột
Nhiễm khuẩn đường ruột là bệnh lý đường tiêu hóa rất phổ biến ở trẻ nhỏ vào mùa hè, khi thời tiết nóng ẩm thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Triệu chứng điển hình của bệnh là tiêu chảy với phân lẫn nhầy máu, sốt, mệt mỏi. Ngoài ra, trẻ có thể bị đau bụng, buồn nôn, nôn… kèm theo.
Với tiêu chảy nhiễm khuẩn, bạn cần cho bé đi khám để được xét nghiệm phân và bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh phù hợp. Đồng thời tích cực cho trẻ uống Oresol để bù nước và điện giải, bổ sung men vi sinh để hạn chế tác dụng phụ do kháng sinh gây ra và giúp đường tiêu hóa của bé chóng phục hồi hơn. Nghiên cứu cho thấy các chủng lợi khuẩn LGG, L. reuteri và S. boulardii cho hiệu quả tích cực nhất trong hỗ trợ điều trị tiêu chảy nhiễm khuẩn ở trẻ.
8. Hội chứng ruột kích thích
Trẻ mắc hội chứng ruột kích thích thì các cơ quan đường ruột sẽ rất nhạy cảm, thức ăn di chuyển trong ruột già có thể quá nhanh hoặc quá chậm và đều khiến trẻ bị đau bụng thường xuyên, ít nhất 1 lần/tuần và trong ít nhất 2 tháng mà không có bất kỳ tổn thương thực thể tại đường tiêu hóa nào. Hầu hết trẻ mắc hội chứng ruột kích thích sẽ kèm theo táo bón, nhưng một số ít lại đi kèm với chứng tiêu chảy.
Hiện nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân và có phương pháp điều trị cụ thể hội chứng này ở trẻ. Bạn có thể hạn chế chúng bằng cách thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt cho bé khoa học hơn, bổ sung lợi khuẩn và tạo tâm lý thoải mái cho bé. Nếu các cơn đau quặn bụng xuất hiện thường xuyên khiến trẻ mệt mỏi, khó chịu thì bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về các loại thuốc giúp giảm đau cho bé.
9. Nhiễm trùng đường tiểu
Nhiễm trùng đường tiểu sẽ gây ra các cơn đau vùng bụng dưới hay hông lưng. Trẻ sẽ đi tiểu lắt nhắt, nhiều lần, tiểu són ra quần hay tiểu dầm về đêm, kêu đau khi đi tiểu. Xảy ra nhiều hơn ở các bé gái.
Ở trẻ sơ sinh thì các triệu chứng rất thầm lặng và không điển hình, vì các bé chưa biết than thở kêu đau và bạn cũng khó nhận ra việc trẻ đi tiểu lắt nhắt (do mặc bỉm). Lúc này, bạn hãy quan sát các dấu hiệu gián tiếp như: sốt, bứt rứt, quấy khóc, khó chịu.
Khi nghi ngờ bé bị nhiễm trùng đường tiểu, bạn cần cho trẻ đi khám để chẩn đoán chính xác tình trạng của con. Các bác sĩ sẽ yêu cầu xét nghiệm nước tiểu và trong một số trường hợp cần làm thêm các xét nghiệm khác như siêu âm, chụp X Quang hay xạ hình thận.
10. Các bệnh lý khác
- Rối loạn tiêu hóa: Sử dụng kháng sinh kéo dài, ăn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh… có thể khiến trẻ bị rối loạn tiêu hóa và gây ra các triệu chứng như đau bụng theo cơn, nôn ói, đầy hơi, tiêu chảy…
- Tắc ruột: Trẻ đau bụng đột ngột và dữ dội, kèm theo nôn và đi ngoài khó khăn. Các cơn đau thường kéo dài 2 – 3 phút rồi giảm dần nhưng sẽ lặp lại cùng mức độ mạnh hơn. Nguyên nhân tắc ruột ở trẻ thường do bã thức ăn hay nhiễm giun, do đó bạn hãy hướng dẫn con ăn chậm, nhai kỹ và tẩy giun định kỳ 2 lần/năm cho trẻ.
- Không dung nạp lactose: Lactose là loại đường hay có trong sữa và các sản phẩm từ sữa. Tình trạng bất dung nạp này thường xảy ra ở trẻ nhỏ sau các giai đoạn ốm bệnh hay do bẩm sinh. Vì không sản sinh đủ enzyme lactase để tiêu hóa lactose nên chỉ 30 phút – 2 giờ sau khi uống sữa trẻ sẽ có dấu hiệu: nôn trớ, tiêu chảy, đau bụng, xì hơi…
Khi nào trẻ bị đau bụng cần đi khám?
Đau bụng là hiện tượng thường thấy ở trẻ. Phần lớn chúng sẽ hết sau một vài ngày nhưng đôi khi có thể diễn biến nặng hơn, tái phát và là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng nào đó. Do đó, bạn hãy quan sát nếu trẻ đau bụng kèm theo các biểu hiện dưới đây thì hãy cho bé đi khám:
- Cơn đau bụng dữ dội khiến trẻ quấy khóc, khó chịu. Cho dù chúng chỉ xuất hiện từng cơn đến rồi đi thì trẻ cũng cần được đến gặp bác sĩ.
- Đi ngoài ra máu. Đây là triệu chứng hay gặp khi trẻ bị táo bón và thường không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi trẻ đi ngoài ra máu kèm theo các cơn đau bụng dữ dội thì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường ruột, viêm ruột…
- Nôn ra máu. Tương tự như trường hợp đi ngoài ra máu, trẻ nôn ra một ít máu có thể do các vấn đề không quá nguy hiểm như: chảy máu cam, chảy máu chân răng… Tuy nhiên, khi trẻ nôn ra máu kèm theo bất kỳ cơn đau dạ dày nào thì bạn cũng nên liên hệ với bác sĩ.
- Nôn ra chất có màu xanh. Đây có thể là dấu hiệu khi ruột bị tắc nghẽn.
- Trẻ có dấu hiệu dị ứng như nổi mề đay, xanh xao, chóng mặt, sưng mặt.
- Đau vùng hạ sườn phải.
- Sốt và ho nhiều.
- Sốt cao, mệt mỏi, có vẻ buồn ngủ hơn bình thường.
- Đau khi đi tiểu.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
Cách phòng ngừa cơn đau quặn bụng tái phát ở trẻ
Để ngăn ngừa các cơn đau bụng ở trẻ tái phát, bạn cần lưu ý:
- Thiết lập cho trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, đủ nước và chất xơ mỗi ngày.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, nấu thức ăn chín kỹ, không sử dụng thức ăn ôi thiu hay đã hết hạn sử dụng.
- Cho trẻ ăn đúng giờ, đủ bữa.
- Giữ cho trẻ tập trung vào bữa ăn. Không vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại.
- Cho trẻ ngủ sớm từ 21h và ngủ đủ, sâu giấc.
- Cùng trẻ tập các bài thể dục, vận động phù hợp với lứa tuổi để tăng cường sức khỏe và cải thiện nhu động ruột.
- Tẩy giun định kỳ cho bé từ 1 tuổi.
- Khi trẻ bị đau bụng thường xuyên hoặc kèm theo các biểu hiện sức khỏe bất thường khác, bạn cần đưa trẻ đi khám để làm rõ nguyên nhân và điều trị.
- Nên ghi lại thông tin về các lần đau bụng của trẻ, thức ăn con ăn những ngày trước đó, đặc điểm của phân cùng các triệu chứng liên quan để có thể giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn.
Trên đây là 10 lý do có thể khiến trẻ bị đau quặn bụng từng cơn cũng như các gợi ý xử lý cụ thể cho từng trường hợp. Nhưng nhìn chung, việc xác định tình trạng rõ ràng ở trẻ nhỏ còn khó và dễ nhầm lẫn, nên ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu nghiêm trọng kèm theo thì bạn hãy cho trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Tài liệu tham khảo:
- https://vnvc.vn/benh-long-ruot/
- https://bvndtp.org.vn/bo-sung-sat-cho-tre-nho/
- https://benhviennhitrunguong.org.vn/cac-trieu-chung-cho-coi-thuong-o-tre-em-2.html
- https://moh.gov.vn/web/phong-chong-tai-nan-thuong-tich/tin-noi-bat/-/asset_publisher/iinMRn208ZoI/content/dau-hieu-ngo-oc-thuc-pham-o-tre-em-cach-xu-ly?inheritRedirect=false
- https://www.health.harvard.edu/blog/10-signs-that-a-childs-stomachache-could-be-something-serious-2017112112781
Tắt
Kết nối qua Zalo: +84934 469869 để được tư vấn