Làm cha mẹ là một hành trình nhiều bỡ ngỡ. Bé bị đầy hơi, chướng bụng khiến bạn bối rối không biết nên xoay sở ra sao? Chúng tôi sẽ chia sẻ nguyên nhân gây ra hiện tượng này cùng giải pháp giảm đầy hơi cho trẻ nhanh chóng và an toàn.
Mục lục
- Trẻ bị đầy hơi có bình thường không?
- Nguyên nhân & cách khắc phục tình trạng đầy hơi, chướng bụng ở trẻ
- Vừa ăn vừa di chuyển
- Sử dụng thiết bị điện tử trong bữa ăn
- Ăn quá nhiều chất xơ hoặc chất béo
- Nhai kẹo cao su
- Ăn một số loại thực phẩm dễ sinh khí
- Uống nước trái cây và đồ uống có gas
- Không uống đủ nước
- Táo bón
- Bất dung nạp lactose
- Quá tải lactose ở trẻ sơ sinh
- Không dung nạp thực phẩm khác
- Hội chứng ruột kích thích
- Có an toàn khi dùng dược liệu để giảm đầy hơi cho trẻ?
- Khi nào nên đưa trẻ đi khám?
Trẻ bị đầy hơi có bình thường không?
Tình trạng đầy hơi có thể thỉnh thoảng xảy ra – chẳng hạn như khi con bạn bị táo bón hoặc sau khi ăn quá no trong một bữa tiệc. Nếu bé thường xuyên bị đầy hơi, có thể nguyên nhân là do một loại thức ăn hoặc thói quen ăn uống không tốt.
Dấu hiệu khi trẻ bị đầy hơi:
- Thường xuyên ợ hơi, xì hơi.
- Chướng bụng.
- Đau hoặc nóng trong bụng.
- Có thể buồn nôn.
Trong một số trường hợp, đầy hơi có thể là dấu hiệu của một tình trạng bất thường như chứng không dung nạp thực phẩm, hội chứng ruột kích thích hoặc một số bệnh nhiễm trùng dạ dày…
Nguyên nhân & cách khắc phục tình trạng đầy hơi, chướng bụng ở trẻ
Đầy hơi, chướng bụng có thể xảy ra bởi một loạt các yếu tố như:
Vừa ăn vừa di chuyển
Khi trẻ di chuyển vòng quanh và chơi trong khi ăn, bé sẽ có xu hướng phấn khích, ăn nhanh, nuốt trọng. Những điều này có thể làm tăng lượng không khí đi vào đường ruột. Việc chuyển động nhiều lúc ăn cũng làm tăng nguy cơ mắc nghẹn.
Giải pháp:
Khuyến khích trẻ ngồi cùng bàn với bạn và nhai kỹ. Đảm bảo với bé rằng bé sẽ được chơi sau bữa ăn.
Sử dụng thiết bị điện tử trong bữa ăn
Nếu con bạn vừa ăn vừa tham gia vào một hoạt động khác, chẳng hạn như xem video, bé có thể bỏ qua các tín hiệu của cơ thể rằng mình đã no và ăn quá nhiều. Điều này có khả năng gây đầy hơi.
Giải pháp:
Để trẻ tập trung vào việc ăn uống, không bật TV hoặc tạo ra các hoạt động khác gây xao nhãng. Nếu bạn không chấm dứt tình trạng này, bé sẽ hình thành nên các thói quen xấu gây hại cho sức khỏe và có thể cả việc phát triển hành vi.
Ăn quá nhiều chất xơ hoặc chất béo
Đường ruột của trẻ nhạy cảm với thực phẩm giàu chất xơ, như một số loại ngũ cốc, hoặc thức ăn béo, nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên dẫn tới khó tiêu, chướng bụng.
Giải pháp:
Tìm hiểu và xác định những thực phẩm khiến trẻ bị đầy hơi và hạn chế hoặc loại bỏ chúng. Bạn cũng có thể thảo luận về chế độ ăn uống của bé với bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.
Nhai kẹo cao su
Các chất làm ngọt nhân tạo trong kẹo cao su rất khó tiêu hóa với một số trẻ. Chúng có thể bị lên men và tạo khí. Nhai kẹo cao su cũng khiến bé dễ nuốt không khí.
Giải pháp:
Hạn chế hoặc ngừng cho trẻ ăn kẹo cao su.
Ăn một số loại thực phẩm dễ sinh khí
Đậu có thể gây đầy hơi vì có hàm lượng chất xơ cao và chứa oligosaccharides, là dạng đường mà cơ thể khó phân hủy. Tương tự như với đậu, các loại rau họ cải như: bắp cải, bông cải, cải xoong… có chứa raffinose cũng là loại đường khó tiêu. Những loại đường này sẽ lên men bởi vi khuẩn trong đại tràng tạo khí.
Giải pháp:
Đây là những thực phẩm lành mạnh. Nếu trẻ ăn chúng thì cũng là điều tốt. Chỉ cần chú ý liều lượng, đảm bảo rằng bé không ăn quá nhiều trong các bữa liên tiếp.
Uống nước trái cây và đồ uống có gas
Nước trái cây chứa nhiều đường, có khả năng gây đầy hơi, thậm chí tiêu chảy. Đồ uống có gas thì chứa axit photphoric và cả đường, đều có thể tạo khí.
Giải pháp:
Loại bỏ nước trái cây và nước có gas. Nếu bạn vẫn muốn cho trẻ uống, chỉ nên dùng nước trái cây nguyên chất 100% và tuân thủ liều lượng theo độ tuổi như khuyến nghị của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ:
- Dưới 12 tháng: không uống.
- Từ 1 đến 3 tuổi: không quá 1/2 cup (118ml) mỗi ngày.
- Từ 4 đến 6 tuổi: không quá 3/4 cup (177ml) mỗi ngày.
- Từ 7 tuổi trở lên: không quá 1 cup (237ml) mỗi ngày.
Không uống đủ nước
Trẻ bị đầy hơi cũng có thể bị táo bón. Uống nước sẽ không loại bỏ được khí. Nhưng cung cấp đủ nước cho cơ thể có khả năng giảm táo bón.
Trẻ nên uống số cốc nước tương đương với số tuổi, tối đa là 8 cup (một cup cỡ gần 240ml). Ví dụ, một đứa trẻ 3 tuổi nên uống 3 cup (710ml) mỗi ngày. Số lượng chính xác có thể thay đổi tùy theo cân nặng của bé.
Giải pháp:
Chú ý nhắc nhở bé uống nước. Bạn có thể rót nước vào bình để khuyến khích bé uống đủ lượng.
Táo bón
Đây là nguyên nhân phổ biến gây đầy hơi ở trẻ em. Phân ở trong ruột già càng lâu, vi khuẩn càng có nhiều thời gian để lên men, dẫn đến sinh khí và đầy hơi.
Giải pháp:
- Với trẻ chưa ăn thức ăn đặc, hãy đảm bảo rằng bé được bú mẹ đủ nhiều. Trẻ bú sữa công thức có thể uống thêm nước giữa các cữ bú. Với trẻ lớn cần khuyến khích bé tự uống đủ nước như đã nói ở trên.
- Cho trẻ ăn uống đa dạng, đặc biệt là rau củ quả để có nhiều chất xơ.
- Khuyến khích bé hoạt động thể chất như chạy nhảy, đi dạo, bơi… Nếu bé vẫn chưa biết đi hay bò, bạn có thể cho bé nằm sấp hoặc chơi với đồ vật để vươn, nắm, kéo, đẩy, cử động đầu và tay chân…
- Tập cho bé thói quen ngồi vào bô hay toilet sau bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ. Nhớ khen ngợi dù bé có đại tiện hay không.
- Đảm bảo rằng bé có thể đặt chân bằng phẳng trên sàn hoặc bậc khi sử dụng bô hay toilet để bé có tư thế đi tiêu dễ dàng.
- Hỏi xem trẻ có cảm thấy lo lắng khi đi vệ sinh không? Một số bé không muốn đi toilet trong môi trường lạ như nhà trẻ hoặc trường học.
- Hãy bình tĩnh và trấn an để bé không coi việc đi vệ sinh là việc gì đó quá nghiêm trọng mà chỉ là một phần bình thường trong cuộc sống, không phải điều gì đáng xấu hổ.
Nếu đầy hơi kèm theo các vấn đề khác ở dạ dày, chẳng hạn như đau, nôn mửa hoặc thay đổi cách đi tiêu, có thể con bạn mắc một trong những rối loạn đường tiêu hóa sau:
Bất dung nạp lactose
Cơ thể bé không thể hấp thụ lactose do không có đủ lactase (enzyme phân hủy lactose) trong dạ dày. Các triệu chứng của chứng không dung nạp lactose ở trẻ sơ sinh và trẻ em bao gồm:
- Đau bụng và đầy hơi.
- Phân lỏng, có thể sủi bọt.
- Phát ban tã.
- Cáu kỉnh (khóc, nắm chặt tay, đá chân, cong lưng…)
- Có vấn đề khi cho bé bú.
- Không tăng cân.

Nếu con bạn có các dấu hiệu của không dung nạp lactose thì nên đưa bé đến bác sĩ để có giải pháp phù hợp. Hội chứng này có hai dạng:
Nguyên phát: bé sẽ cần một chế độ ăn uống đặc biệt ngay sau khi sinh.
Thứ phát: enzyme lactase được tạo ra từ các nếp gấp siêu nhỏ của ruột. Những tổn thương dù nhỏ trên niêm mạc ruột cũng có thể làm giảm sản xuất enzyme như:
- Viêm dạ dày ruột.
- Không dung nạp thực phẩm hoặc dị ứng, có thể do protein của sữa bò, lúa mì, đậu nành, trứng hoặc một số hóa chất khác đi vào sữa mẹ, cũng như từ đồ ăn của trẻ.
- Nhiễm ký sinh trùng như giardia hoặc cryptosporidiosis.
- Bệnh Celiac (không dung nạp gluten trong lúa mì và một số sản phẩm ngũ cốc khác).
- Sau khi phẫu thuật ruột.
Hãy hỏi ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để xác định loại thực phẩm gây dị ứng, loại trừ nó ra khỏi thực đơn.
Với trẻ lớn (nếu bé không bị dị ứng protein sữa bò), bạn vẫn có thể cho bé ăn một lượng vừa phải một số thực phẩm làm từ sữa như phô mai (có hàm lượng lactose thấp), sữa chua (vi khuẩn trong sữa chua đã phân giải bớt đường lactose), sữa không có lactose hoặc thay thế bằng sữa thực vật, sữa chua đậu nành…
Không dung nạp lactose thứ phát là tạm thời, miễn là niêm mạc ruột có thể chữa lành. Khi loại bỏ được nguyên nhân gây tổn thương ruột thì ruột sẽ lành lại, ngay cả khi trẻ vẫn bú sữa mẹ.
Quá tải lactose ở trẻ sơ sinh
Quá tải lactose không giống như không dung nạp lactose. Đây không phải là vấn đề trong sản xuất lactase. Tình trạng này xảy ra khi trẻ tiêu thụ một lượng lớn lactose cùng lúc và không thể phân hủy hết, cũng sẽ gây đầy hơi, cáu kỉnh, chướng bụng, phân sủi bọt…
Việc này thường liên quan tới cách cho bú: trẻ chỉ bú một chút rồi ngưng, cho trẻ bú thường xuyên và chuyển bên trước khi hết sữa. Việc này dẫn đến bé bú nhiều sữa đầu hơn sữa cuối. Sữa đầu giàu lactose đi qua hệ tiêu hóa nhanh hơn sữa cuối và không có đủ thời gian để phân hủy hết lactose.
Nếu trẻ có các triệu chứng quá tải lactose, hãy cho trẻ bú ở tư thế phù hợp sao cho bé có thể nhận được toàn bộ sữa từ mỗi bên vú. Ngoài ra, chỉ cho trẻ bú từ một bên vú trong bốn giờ trước khi chuyển sang vú bên kia trong bốn giờ tiếp theo. Nếu cho bú nhiều gây quá tải, cố gắng không cho khoảng cách các cữ bú quá gần.
Không dung nạp thực phẩm khác
Không dung nạp thực phẩm là các phản ứng xấu do cơ thể không thể phân hủy thức ăn đúng cách, hoặc do bị kích ứng bởi một chất hóa học có trong thực phẩm. Triệu chứng phổ biến gồm: đầy hơi, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, loét miệng…
Ngoài lactose, một số thực phẩm phổ biến dễ bị bất dung nạp như: lúa mì, phụ gia thực phẩm (bao gồm cả chất điều vị như bột ngọt), fructose (đường trong trái cây).

Nếu được chẩn đoán không dung nạp, bác sĩ có thể khuyên trẻ chỉ ăn một lượng nhỏ hoặc tránh hoàn toàn món đó.
Các triệu chứng không dung nạp thường sẽ tự khỏi và không cần phải chăm sóc y tế khẩn cấp. Trường hợp bé bị tiêu chảy, bạn cần cho trẻ uống nhiều nước.
Hội chứng ruột kích thích
Tên gọi khác là đại tràng co thắt. Đây là một nhóm các triệu chứng cùng xảy ra ở hệ tiêu hóa, bao gồm đau thắt bụng tái đi tái lại, thay đổi nhu động ruột, có thể bị tiêu chảy, táo bón hoặc cả hai, đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn, cảm giác đi tiêu chưa hết phân… Trẻ sẽ không xuất hiện bất kỳ tổn thương thực thể nào ở hệ tiêu hóa.
Thực phẩm cũng có thể là một nguyên nhân. Mỗi đứa trẻ sẽ có phản ứng khác nhau với các loại thức ăn: một vài bé sẽ bị khó chịu khi ăn nhiều chất béo, đường hoặc thức ăn cay.
Trẻ nhỏ thỉnh thoảng bị đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy. Điều này không có nghĩa là bé bị đại tràng co thắt. Trừ khi, bé gặp các vấn đề này thường xuyên. Bạn có thể mang trẻ đi khám. Dưới đây là một số câu mà bác sĩ có thể hỏi:
– Bao lâu thì trẻ đau bụng một lần? Mỗi tuần? Mỗi 2 tuần? Hằng ngày? Một đứa trẻ mắc hội chứng này sẽ bị đau bụng ít nhất 12 tuần trong một năm!
– Khi nào bé cảm thấy bớt đau? Nếu cơn đau dừng lại sau khi trẻ đại tiện, rất có thể đó là hội chứng ruột kích thích.
– Bao lâu thì trẻ đi tiêu một lần?
– Phân của bé trông như thế nào? Có màu sắc khác lạ hoặc có chứa chất nhầy không? Đây là một căn cứ quan trọng để chẩn đoán.
Đại tràng co thắt thường gây khá nhiều khó chịu. Tuy nhiên, nếu trẻ điều chỉnh tốt lối sống thì hoàn toàn có thể tránh khỏi các phản ứng xấu trên:
- Nên tránh các thực phẩm gây kích ứng.
- Ăn trái cây, rau củ có chất xơ.
- Uống nhiều nước.
- Ngủ đủ giấc.
- Dành thời gian để chơi đùa và vận động như đạp xe hoặc chơi bóng…
- Ăn chậm, nhai kỹ và tuyệt đối không bỏ bữa.

Trường hợp các biện pháp thay đổi trên vẫn không khiến trẻ dễ chịu, bạn có thể nhờ bác sĩ tư vấn thêm các thuốc hỗ trợ. Một số loại thuốc thường được kê cho hội chứng ruột kích thích như: thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc nhuận tràng, thuốc chống trầm cảm, thuốc chống co thắt như hyoscine và cimetropium…
Có an toàn khi dùng dược liệu để giảm đầy hơi cho trẻ?
Có một số loại thuốc hoặc chế phẩm sinh học có thể được dùng để cải thiện tình trạng đầy hơi cho trẻ.
Thuốc chống đầy hơi không kê đơn: có chứa simethicone nhằm mục đích loại bỏ khí trong đường ruột. Thuốc được coi là an toàn khi dùng cho trẻ em với liều lượng trong khuyến cáo, dù vẫn có dữ liệu mâu thuẫn về tính hiệu quả. Mẹ đang cho con bú nên hỏi ý kiến bác sĩ chứ không được tự ý sử dụng. Tránh dùng thuốc nhỏ simethicone có chứa natri benzoat hoặc axit benzoic.
Thuốc kháng axit: trung hòa axit trong dạ dày. Lưu ý, nên dùng thuốc không chứa nhôm vì loại có nhôm không được dùng cho trẻ em.
Siro: thường chứa dung dịch thảo dược cô đặc được cho là có thể giúp giảm khí. Hiệu quả, thành phần cũng như liều lượng khác nhau ở các thương hiệu. Hãy đảm bảo rằng sản phẩm bạn chọn không chứa cồn.
Probiotic: lợi khuẩn có thể hữu ích cho hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ nghiên cứu để xác định chính xác khả năng làm giảm khí của probiotic.
Khi nào nên đưa trẻ đi khám?
Hãy đưa con bạn đến bác sĩ nếu bé bị đầy hơi kèm với các biển hiện sau:
- Bé bị đầy hơi và khó chịu trong hơn ba ngày liên tiếp.
- Đau bụng.
- Có máu trong phân.
- Táo bón.
- Tiêu chảy.
- Sốt (có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng như bệnh viêm dạ dày).
- Nôn hoặc buồn nôn.
- Giảm cân hoặc chán ăn.
- Bạn có thắc mắc về chứng đầy hơi của bé.
Trẻ nhỏ thường xuyên gặp các vấn đề về tiêu hóa do cơ thể vẫn chưa phát triển toàn diện. Đa phần các trường hợp là không quá nghiêm trọng và sẽ chấm dứt mà không cần dùng thuốc. Nếu bạn có bất kỳ lo lắng gì hãy hỏi bác sĩ để được giải đáp, an tâm hơn. Cha mẹ nên lưu ý đến việc ăn uống, vận động của trẻ để bé luôn mạnh khỏe.
Tài liệu tham khảo
- https://www.babycenter.com/health/conditions/gas-pain-in-children_1201487
- https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/wind
- https://www.breastfeeding.asn.au/bf-info/lactose
- https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/lactose-intolerance#treatment-lactose-intolerance-in-babies-nav-title
- https://www.nhs.uk/conditions/baby/health/constipation-in-children/
- https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/food-intolerances
- https://kidshealth.org/en/kids/ibs.html
Tôi đi ngoài phân sống là bị bênh gì .